QUỐC HỘI -------- Luật số: 94/2015/QH13 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2015
|
LUẬT
THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM
Quốc hội ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
3. Cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
4. Viện kiểm sát nhân dân.
5. Tòa án nhân dân.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
3. Chế độ tạm giữ, tạm giam là chế độ quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam và chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu, gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.
5. Trích xuất là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.
6. Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
7. Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch và in dấu vân tay của tất cả các ngón của người bị tạm giữ, người bị tạm giam do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
8. Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.
3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.
5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật này trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 6. Kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật này, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự.
Điều 7. Giám sát việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam
Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
2. Không chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do.
3. Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
4. Cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
5. Phá hủy cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải; đánh tháo người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
6. Không chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
7. Thực hiện hoặc tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, che giấu, ép buộc người khác vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau đây:
a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
b) Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân;
c) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
g) Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
i) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
b) Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Chương II
HỆ THỐNG TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ, THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM
Điều 10. Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam
1. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân bao gồm:
a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong phạm vi cả nước (sau đây gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an);
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh);
c) Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam trong địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp huyện).
2. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân bao gồm:
a) Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam (sau đây gọi là cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng);
b) Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ khu vực thuộc phạm vi quản lý;
c) Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh thực hiện quản lý tạm giữ đối với Buồng tạm giữ của đồn biên phòng.
Điều 11. Hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam
1. Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm:
a) Trại tạm giam thuộc Bộ Công an;
b) Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng;
c) Trại tạm giam Công an cấp tỉnh; trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là trại tạm giam cấp quân khu);
d) Nhà tạm giữ Công an cấp huyện; nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân;
đ) Buồng tạm giữ của đồn biên phòng ở hải đảo, biên giới xa trung tâm hành chính cấp huyện.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ; ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, giải thể, quy mô, thiết kế cơ sở giam giữ; ban hành nội quy của cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 63 và Điều 64 của Luật này;
b) Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
c) Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
d) Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ;
đ) Thanh tra, kiểm tra về tạm giữ, tạm giam theo thẩm quyền;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam;
g) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu:
a) Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh, thủ trưởng cấp quân khu quản lý công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn;
b) Tổ chức thi hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
c) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ;
d) Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ trong phạm vi tỉnh, quân khu;
đ) Thanh tra, kiểm tra về tạm giữ, tạm giam theo thẩm quyền;
e) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác tạm giữ, tạm giam theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Công an cấp huyện, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân:
a) Giúp Trưởng Công an cấp huyện, thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự khu vực quản lý công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn;
b) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đối với nhà tạm giữ;
c) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp trên;
d) Trực tiếp quản lý nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ đối với buồng tạm giữ của đồn biên phòng;
b) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam
1. Nhà tạm giữ, trại tạm giam có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tiếp nhận, lập hồ sơ, lập danh bản, chỉ bản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hoặc người có quyết định điều chuyển theo quy định của Luật này;
b) Thực hiện các biện pháp quản lý giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
c) Áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
d) Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; giải quyết kiến nghị theo thẩm quyền hoặc chuyển kháng cáo, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
đ) Giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh trích xuất, quyết định điều chuyển của người có thẩm quyền;
e) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam, trả tự do là trái pháp luật;
g) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
h) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, 10 ngày trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam và yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án giải quyết theo pháp luật; trường hợp hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam, cơ quan đang thụ lý vụ án không giải quyết thì kiến nghị ngay Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam xử lý;
i) Trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
l) Thực hiện thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Đối với nhà tạm giữ Công an cấp huyện và trại tạm giam, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều này còn có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
3. Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
b) Quyết định phân loại, tổ chức giam giữ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
c) Quyết định kiểm tra, thu giữ, xử lý tài liệu, đồ vật thuộc danh mục cấm;
d) Ra lệnh trích xuất để khám, chữa bệnh và phục vụ công tác giam giữ; ra lệnh trích xuất hoặc quyết định cho gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
đ) Thực hiện lệnh trích xuất hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc các tổ chức nhân đạo;
e) Tổ chức bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ; bảo đảm vệ sinh môi trường; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thông báo cho cơ quan y tế nơi gần nhất khi có dịch bệnh xảy ra để phối hợp dập tắt dịch bệnh.
4. Phó Trưởng nhà tạm giữ, Phó Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm giúp Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam theo sự phân công hoặc ủy quyền của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam và chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
5. Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Phó giám thị trại tạm giam, người thi hành tạm giữ, tạm giam phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình trong việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 14. Cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam
1. Nhà tạm giữ được tổ chức như sau:
a) Nhà tạm giữ có buồng tạm giữ, buồng tạm giam, buồng kỷ luật, buồng quản lý phạm nhân; có các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng hình sự. Tùy quy mô giam giữ, nhà tạm giữ có thể có các công trình phục vụ sinh hoạt, chăm sóc y tế, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thi hành án phạt tù; có các công trình làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức công tác tại nhà tạm giữ;
b) Tổ chức bộ máy của nhà tạm giữ trong Công an nhân dân gồm có Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
c) Tổ chức bộ máy của nhà tạm giữ Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân gồm có Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
d) Trưởng nhà tạm giữ, Phó Trưởng nhà tạm giữ phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác do Chính phủ quy định.
2. Trại tạm giam được tổ chức như sau:
a) Trại tạm giam có phân trại tạm giam, khu giam giữ, buồng tạm giam, buồng tạm giữ, buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù, buồng giam người bị kết án tử hình, buồng kỷ luật, phân trại quản lý phạm nhân; các công trình phục vụ việc quản lý giam giữ, hoạt động tố tụng, thi hành án, sinh hoạt, chăm sóc y tế, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thi hành án phạt tù; các công trình làm việc, sinh hoạt của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức công tác tại trại tạm giam;
b) Tổ chức bộ máy của trại tạm giam trong Công an nhân dân gồm có Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng, trưởng cơ sở y tế; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức và được tổ chức thành các đội, phân trại tạm giam, phân trại quản lý phạm nhân để làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, thi hành án hình sự, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
c) Tổ chức bộ máy của trại tạm giam trong Quân đội nhân dân gồm có Giám thị, Phó Giám thị, Chính trị viên, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng, trưởng cơ sở y tế; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng có thể được tổ chức thành các đội để làm nhiệm vụ quản giáo, trinh sát, bảo vệ, hỗ trợ tư pháp, thi hành án hình sự, tham mưu tổng hợp, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, y tế, hồ sơ;
d) Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải là người có trình độ đại học cảnh sát, đại học an ninh hoặc cử nhân luật trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn khác do Chính phủ quy định.
3. Buồng tạm giữ, buồng tạm giam trong nhà tạm giữ, trại tạm giam được thiết kế, xây dựng kiên cố, có khóa cửa, có phương tiện kiểm soát an ninh, đủ ánh sáng, bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và yêu cầu công tác quản lý giam giữ.
Phòng làm việc của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người bào chữa được thiết kế, xây dựng bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu điều tra, xử lý vụ án và bào chữa.
Điều 15. Buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng
1. Đồn biên phòng đóng ở vùng sâu, vùng xa có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được tổ chức buồng tạm giữ để quản lý, thực hiện chế độ tạm giữ đối với người bị tạm giữ theo quyết định của Đồn trưởng đồn biên phòng và của người có thẩm quyền khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng có Trưởng buồng tạm giữ và chịu sự quản lý trực tiếp của Đồn trưởng đồn biên phòng. Trưởng buồng tạm giữ có các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý người bị tạm giữ như Trưởng nhà tạm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật này.
Chương III
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ GIAM GIỮ
Điều 16. Tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm:
1. Kiểm tra thông tin để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền;
2. Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo;
3. Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
4. Phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy của cơ sở giam giữ; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.
Điều 17. Hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam
1. Hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam bao gồm:
a) Các lệnh, quyết định, biên bản về việc bắt, tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giữ, gia hạn tạm giam, truy nã, trả tự do, trích xuất, điều chuyển nơi giam giữ; các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân;
b) Biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; biên bản giao nhận tiền, tài sản khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam gửi lưu ký hoặc giao cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ quản lý; quyết định, biên bản hủy đồ vật thuộc danh mục cấm;
c) Danh bản, chỉ bản, lý lịch và tài liệu về nhân thân; tài liệu liên quan đến việc chấp hành các quy định về giam giữ; biên bản, quyết định kỷ luật về việc vi phạm nội quy, pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; tài liệu về sức khỏe, khám, chữa bệnh; tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian bị giam giữ; tài liệu liên quan đến việc giải quyết chuyển kháng cáo, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tài liệu về thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;
d) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án; quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình;
đ) Tài liệu khác có liên quan.
2. Đối với người bị tạm giam mà trước đó đã bị tạm giữ thì hồ sơ tạm giam còn bao gồm các tài liệu trong hồ sơ tạm giữ.
3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chế độ quản lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam.
Điều 18. Phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:
a) Người bị tạm giữ;
b) Người bị tạm giam;
c) Người dưới 18 tuổi;
d) Phụ nữ;
đ) Người nước ngoài;
e) Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
g) Người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm;
h) Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;
i) Người bị kết án tử hình;
k) Người đang chờ chấp hành án phạt tù;
l) Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ;
m) Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
2. Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
3. Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.
4. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng:
a) Người đồng tính, người chuyển giới;
b) Người quy định tại các điểm e, i và m khoản 1 Điều này;
c) Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.
Điều 19. Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày.
2. Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
4. Việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định như sau:
a) Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu quyết định;
b) Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi nhận;
c) Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định;
d) Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận.
Điều 20. Thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật này, trong trường hợp sau đây:
a) Để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
b) Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
c) Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
d) Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Trường hợp Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng buồng tạm giữ của đồn biên phòng trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh thì phải thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát có thẩm quyền.
3. Lệnh trích xuất phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;
b) Họ tên, năm sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hành vi vi phạm pháp luật, ngày bị tạm giữ, ngày bị tạm giam của người được trích xuất;
c) Mục đích và thời hạn trích xuất;
d) Họ tên, chức vụ, cấp bậc, cơ quan của người làm nhiệm vụ áp giải người được trích xuất hoặc cơ quan làm nhiệm vụ áp giải;
đ) Họ tên, chức vụ, cấp bậc (nếu có) của người nhận trích xuất của cơ quan có thẩm quyền ra lệnh trích xuất;
e) Ngày, tháng, năm ra lệnh; chữ ký của người ra lệnh và đóng dấu.
4. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm bàn giao người được trích xuất cho người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất. Việc giao nhận phải được lập biên bản, có ghi rõ tình trạng sức khỏe của người đó và ghi sổ theo dõi.
Người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất có trách nhiệm tiếp nhận người được trích xuất. Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải phối hợp với cơ sở giam giữ và người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất quản lý và bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất theo quy định của Luật này. Việc áp giải, quản lý và kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với người được trích xuất do Chính phủ quy định.
Khi chưa hết thời hạn trích xuất nhưng đã hoàn thành mục đích trích xuất hoặc hết thời hạn trích xuất, người có yêu cầu trích xuất bàn giao người được trích xuất cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải để giao người được trích xuất cho cơ sở giam giữ, trừ trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được trả tự do theo bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì phải có lệnh gia hạn trích xuất. Thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được dài hơn thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại.
5. Trong trường hợp thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này bên trong khu vực cơ sở giam giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam mà không cần lệnh trích xuất.
Điều 21. Chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây:
1. Khi có quyết định của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam đến cơ sở giam giữ khác.
2. Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án.
3. Khi có quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình.
Điều 22. Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.
2. Người đến thăm gặp phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ;
không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp.
Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
3. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.
4. Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:
a) Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
b) Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
c) Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
d) Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
đ) Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
e) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
g) Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
h) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này.
5. Việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Việc tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc thỏa thuận về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo. Việc tiếp xúc, thăm gặp có thể mời đại diện của cơ quan ngoại giao Việt Nam hoặc đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Điều 23. Kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Cách ly ở buồng kỷ luật từ 01 ngày đến 02 ngày và có thể bị gia hạn đến 02 ngày đối với người bị tạm giữ; cách ly ở buồng kỷ luật từ 03 ngày đến 07 ngày và có thể bị gia hạn đến 10 ngày đối với người bị tạm giam. Thời hạn cách ly không quá thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại.
2. Việc kỷ luật bằng hình thức cách ly được thực hiện nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ hai lần trở lên hoặc có các hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều 8 của Luật này.
3. Người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà.
4. Việc kỷ luật và việc hạn chế thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản. Biên bản về việc vi phạm và quyết định kỷ luật được đưa vào hồ sơ quản lý giam giữ. Nếu người bị kỷ luật có tiến bộ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định bằng văn bản việc giảm thời hạn kỷ luật, bãi bỏ việc hạn chế thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà đối với người đó.
Điều 24. Quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam đồ dùng cần thiết cho cá nhân. Đồ vật, tư trang, tiền và tài sản khác của họ mang theo phải gửi lưu ký tại nơi quy định của cơ sở giam giữ hoặc ủy quyền cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ quản lý. Những đồ vật không thể bảo quản được trong thời hạn tạm giữ, tạm giam và những đồ vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam nếu phải hủy bỏ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải ra quyết định bằng văn bản hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Khi hủy bỏ phải có sự chứng kiến của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phải lập biên bản về việc hủy bỏ. Nếu họ được trả tự do, chuyển nơi giam giữ khác thì đồ vật, tư trang, tiền, tài sản khác đã gửi lưu ký được trả lại; trường hợp cơ sở giam giữ làm hư hỏng hoặc mất thì phải bồi thường.
2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.
Căn cứ vào danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định không được đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam các đồ vật cụ thể có khả năng dùng để tự sát, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người đó hoặc người khác.
3. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng tiền gửi lưu ký để mua đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt của họ bằng hình thức ký sổ.
Điều 25. Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn
1. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức truy bắt ngay, lập biên bản; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và Viện kiểm sát có thẩm quyền phối hợp xử lý. Mọi trường hợp bỏ trốn đều phải được áp dụng các biện pháp truy bắt, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận lập biên bản, báo ngay cho cơ quan đang thụ lý vụ án và cơ sở giam giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết
1. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời, thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.
2. Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
3. Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
Trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.
4. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc sự thỏa thuận trực tiếp về từng trường hợp