BANER 22
Baner 003
Baner 006

TRƯỜNG HỢP KHÔNG KHÁNG CÁO VẪN ĐƯỢC GIẢM ÁN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Sau khi HĐXX tuyên án, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nguyễn Phương Hằng đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn được Tòa tuyên giảm án giảm nhẹ hình phạt? HĐXX đã căn cứ vào quy định nào để giảm án cho Nguyễn Phương Hằng? 1.Đặt vấn đề
 Chiều 4/4/2023, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm về tội“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã giảm hình phạt cho bà Nguyễn Phương Hằng từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù mặc dù bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi HĐXX tuyên án, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nguyễn Phương Hằng đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn được Tòa tuyên giảm án giảm nhẹ hình phạt? HĐXX đã căn cứ vào quy định nào để giảm án cho Nguyễn Phương Hằng?
2.Nội Dung
2.1.Kháng cáo là gì?
Pháp luật không có quy định cụ thể kháng cáo là gì mà chỉ quy định người có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, kháng cáo là việc người có quyền kháng cáo thể hiện sự không đồng tình của mình về các quyết định của Tòa án trong bản án hoặc quyết định sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án hoặc quyết định đó. Đây là quyền cơ bản của công dân khi cho rằng bản án, quyết định của tòa án không đúng quy định của pháp luật.
2.2.Căn cứ pháp luật
 Khoản 1 Điều 330 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”.
Theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về phạm vi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Theo đó, dù có kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm nhưng không có thêm các tình tiết giảm nhẹ hay những tình tiết, chứng cứ làm thay đổi tình tiết vụ án, có lợi cho người bị buộc tội thì bản án sơ thẩm có thể vẫn được giữ nguyên và người bị buộc tội sẽ không được giảm nhẹ hình phạt.
Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
c) Giảm hình phạt cho bị cáo;
d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.”.
Theo quy định trên, HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm khi xét thấy có điểm chưa đúng trong bản án, quyết định sơ thẩm hoặc khi vụ án có thêm tình tiết mới. Trong đó, HĐXX có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, trường hợp có căn cứ, HĐXX phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 357 cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
3.Kết luận
Như vậy, đối với trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, HĐXX nhận định, dù bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng bị cáo đã nộp tiền án phí, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, việc nhận tội, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả là những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo (điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Vì vậy, HĐXX có căn cứ để sửa lại bản án sơ thẩm của bà Nguyễn Phương Hằng theo hướng giảm nhẹ hình phạt theo quy định tại Điều 357 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015.  

Bình luận

Viết bình luận